Rời xa gia đình theo đuổi ước mơ của mình tại trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, đến từ một mảnh đất đầy nắng và gió của Tổ quốc – Bình Thuận, cơ duyên đưa tôi đến và gắn bó với mảnh đất Bình Dương đầy tình nhiều nghĩa.
Tính đến thời điểm này, tôi về công tác tại mái trường THPT Lê Lợi vừa tròn một năm… Một năm, là quãng thời gian không dài, nhưng cũng không ngắn, đủ để tôi có những tình cảm sâu nặng với mái trường mà không biết tự bao giờ tôi đã xem như ngôi nhà thứ hai của mình. Tôi còn nhớ lần đầu bước chân đến trường, tôi cảm thấy mình như đứa trẻ ngày đầu đi học, bước vào ngôi trường đầy mới mẻ và lạ lẫm, với tôi khi ấy mọi thứ còn mới lạ vô cùng. Buổi họp hội đồng sư phạm đầu tiên ở đây, bước vào phòng họp, tôi như bị choáng ngợp với những gương mặt mà với tôi lúc đó là xa lạ, và gần như không thích nghi được với số lượng giáo viên trong trường mà tôi nghĩ là khá đông; tôi vốn nhát, cả rụt rè nữa, lần đầu tôi thấy mình nhỏ bé biết nhường nào. Dần dà, tôi trở thành một thành viên đích thực của ngôi trường này tự lúc nào mà chính tôi không biết, những người đồng nghiệp mà lúc trước với tôi còn xa lạ nay trở nên thân thiết và gần gũi, tôi nghĩ mình yêu nơi này.
Yêu cảnh, nên cũng yêu người? Hay vì yêu người mà yêu cảnh? Chính tôi cũng không biết… Sau một năm làm việc và công tác dưới mái nhà THPT Lê Lợi, tôi có dịp tiếp xúc với nhiều người, mỗi giáo viên – đồng nghiệp, ai ai cũng có cái hay để tôi học hỏi, để ngày một hoàn thiện hơn vốn kiến thức và hành trang của mình. Tôi đã được nghe kể về những nhà giáo đầu tiên, những người có công đặt những viên gạch nền cho ngôi nhà mến yêu này, và cả những tấm gương về những nhà giáo giỏi, tâm huyết với nghề, đáng để thế hệ sau như chúng tôi học hỏi. Trong số đó có một nữ nhà giáo đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu đậm – một hình tượng phụ nữ lí tưởng trong thời kì “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” mà tôi ngưỡng mộ, muốn noi theo và học hỏi, cũng muốn giới thiệu đến đồng nghiệp gần xa về cô – cô Phạm Thị Tùng Oanh, phó hiệu trưởng của trường THPT Lê Lợi, ngôi trường mà tôi đang học tập, làm việc và gắn bó.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Tân Uyên (cũ) - một huyện mà nhìn chung kinh tế còn nhiều khó khăn, điều kiện sinh hoạt và học tập còn nhiều hạn chế. Cô biết quê hương còn nghèo, ở xã Tân Vĩnh Hiệp nơi cô sinh ra, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông trồng lúa nước, những xã lân cận, người dân quanh năm suốt tháng “sinh nghề tử nghiệp” với những cánh rừng cao su trải bạt ngàn, cô đã thấy trẻ em nơi đó từ khi chưa cắp sách đến trường đã biết phụ cha mẹ trút mủ, cạo mủ, ước mơ của chúng giản dị và hồn nhiên đến đỗi khi nghe cô không tránh khỏi rưng rưng nơi khóe mắt, đó là nhanh lớn lên, làm công nhân cạo mũ như cha mẹ chúng, ước mơ của chúng gói gọn quanh những cánh rừng cao su của huyện nhà; khác với bạn bè cùng trang lứa, cô Oanh nuôi cho mình ước mơ “gõ đầu trẻ” ngay từ thuở ấu thơ, ước mơ ấy được ấp ủ và nuôi dưỡng, lớn lên cùng những cánh đồng lúa bát ngát của quê nhà, cô muốn đem con chữ đến những trẻ em nghèo ở huyện nhà, khai phá tư tưởng của họ, giúp họ thoát khổ, từng bước đưa quê hương thoát nghèo.
Ước mơ ngày nào của cô Oanh đã trở thành hiện thực khi cô thi và đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm của tỉnh; sau những tháng ngày miệt mài đèn sách trên giảng đường, năm 1999 cô chính thức trở thành giáo viên dạy Toán tại trường THCS Tân Thành (trường THPT Lê Lợi ngày nay).
Trong ký ức của những học sinh ngày ấy, cô là một người đưa đò miệt mài và cần mẫn, cô đã đưa không biết bao nhiêu thế hệ trẻ cập bến tri thức, mấy ai qua sông mà nhớ người đưa đò, nhưng tôi nghĩ rằng, những cô cậu học trò từng được cô chỉ dạy và dìu dắt, không ai không nhớ đến cô, cô đến với học trò bằng lòng yêu nghề và tâm huyết của mình, không mong có người nhớ đến hay ghi công, cô vẫn vậy giữa đời thường, âm thầm và lặng lẽ; đến tận những năm sau, những người từng qua sông khi ấy, có không ít người quay về tìm cô, gửi lời tri ân, kể về cô với ánh mắt xiết bao quý mến và trân trọng. Những đêm dài trăn trở trên từng trang giáo án, suy tư với từng kết quả học tập của học sinh, mấy ai biết được bao nhiêu tâm tư, tâm huyết cô đổ dồn vào đấy, những tiếng thở dài đêm đêm của cô, cả những đêm ngủ không tròn giấc vì những lo lắng, muộn phiền cho những cô cậu học trò nhỏ của mình, có chăng là bầu trời quê hương, những cánh rừng cao su dõi theo cô, chúng biết và hiểu.
Có ai đó bảo với tôi rằng “Thành công của người phụ nữ là ở hạnh phúc gia đình, là mái ấm mà họ tạo dựng, không phải họ là ai, là gì, làm được gì ở ngoài xã hội”, nhưng với cô, cô biết trẻ em quê mình còn đói chữ, quê hương cô còn nghèo, cần có những người con như cô không ngừng nỗ lực và cống hiến, chính vì vậy, cô không ngừng rèn luyện, học hỏi, bồi dưỡng chuyên môn cho bản thân; với cô chưa bao giờ là đủ cho sự cố gắng, phấn đấu của bản thân; cô luôn tâm niệm “bản thân mình còn hạn chế, chưa đủ vững vàng để đóng góp, cống hiến cho quê hương, cho những học trò mà cô hằng mến yêu”, nghĩ là làm, cô tiếp tục học liên thông và tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2006. Suốt một quá trình, cô không ngừng tự học, tích lũy kinh nghiệm, tích cực học tập và phấn đấu, chưa bao giờ tự hài lòng về bản thân; những gì cô làm, cô có, cô chưa bao giờ cho là đủ; là một người phụ nữ của thế kỉ 21, cô ý thức được rõ ràng hơn bao giờ hết sứ mệnh và nhiệm vụ của mình trong việc đóng góp cho xã hội thời kì “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, sự học với cô là một con đường không có điểm dừng, càng không có điểm kết thúc, nghĩ là làm, cô đã ghi danh và đậu lớp cao học về Quản lí giáo dục, bảo vệ thành công khóa luận Thạc sĩ Quản lí giáo dục vào năm 2013 tại trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, thời điểm đó, cả trường, cô là nữ Thạc sĩ đầu tiên, chỉ nghĩ đến thôi mà tôi có cảm giác vinh dự khó tả, có một cảm giác gì đó tự hào khó diễn tả thành lời... Những gì cô đã làm, nói và nghe thì dễ, để làm được lại là cả một câu chuyện dài. Cô theo học Thạc sĩ tại một trường đại học thuộc địa phận thành phố Hồ Chí Minh, cách nhà 50 km, điều đó đồng nghĩa với việc hàng ngày cô phải vượt một chặng đường dài từ nhà đến trường, từ trường về nhà xa đằng đẵng… trong suốt 2 năm liền, một nghị lực đáng kể tiềm ẩn trong một phụ nữ có sức vóc mảnh mai… điều mà không phải phụ nữ nào cũng làm được.
Đến tháng 3 năm 2014, cô chính thức được bổ nhiệm vào cương vị Phó hiệu trưởng trường THPT Lê Lợi, và cũng là nữ lãnh đạo duy nhất trong số 4 vị lãnh đạo trong Ban giám hiệu nhà trường. Không còn trực tiếp đứng lớp để truyền đạt tri thức, cô cống hiến cho quê hương nói riêng và cho ngành giáo dục tỉnh nhà nói chung theo cách khác, thầm lặng và lớn lao hơn. Tuy còn nhiều bỡ ngỡ ở cương vị mới, nhưng cô cũng đã có nhiều đóng góp không nhỏ cho trường, với lòng say mê nghề nghiệp, có tâm huyết với ngành giáo dục và có tầm nhìn sắc sảo, cộng thêm lòng nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, cô đã đóng góp, xây dựng nhiều ý kiến hay, thiết thực, có giá trị đối với quá trình định hướng, xây dựng chiến lược và đề ra các quyết sách, góp phần đưa trường THPT Lê Lợi – một trường nghèo ở vùng sâu vùng xa – từng bước khẳng định mình với các trường bạn trong tỉnh nhà; đồng thời đưa sự phát triển giáo dục của tỉnh ngày một vươn xa và cao hơn.
Cô chiếm được sự yêu mến của đồng nghiệp và là minh chứng rõ nhất cho câu nói “chức vụ không làm nên con người”, tuy ở vị thế lãnh đạo, nhưng cô không khó gần hay kiểu cách, cô vẫn là cô, gần gũi, hòa đồng và yêu mến đồng nghiệp của mình, cô tận tình chỉ bảo những đồng nghiệp trẻ còn non kinh nghiệm, cũng hết mực khiêm tốn học hỏi những điều chưa biết, tiếp xúc với cô, người ta không thấy khoảng cách giữa lãnh đạo và nhân viên, người ta chỉ thấy cô – cô Oanh.
Ngoài cương vị phó hiệu trưởng, ở trường cô còn giữ chức vụ Chi ủy viên, Trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ, Tổ trưởng tổ tư vấn học đường, Trưởng ban chỉ đạo “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Trưởng ban chỉ đạo tiểu đề án 2 về “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kì đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong 5 năm trở lại đây, cô đã đạt được nhiều thành tích đáng kể, có thể kể đến một vài thành tích nổi bật như: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (năm học 2008 – 2009), giấy khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm giai đoạn 2005 – 2009, bằng khen Ủy ban Nhân dân tỉnh (năm học 2011 – 2012), giấy khen Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương về “Gia đình tiêu biểu tỉnh Bình Dương” (năm 2013), giải nhì cuộc thi Bí thư chi bộ cấp huyện, giải ba cuộc thi Bí thư chi bộ cấp tỉnh, giấy khen “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” 5 năm giai đoạn 2010 – 2015, giấy khen của Sở Giáo dục Bình Dương về việc có thành tích tốt trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2013 – 2015…
Ở ngoài xã hội, cô là Phó hiệu trưởng, là vị lãnh đạo đáng mến, là đồng nghiệp gần gũi, là người cô kính yêu của bao thế hệ học trò, là Đảng viên ưu tú của Đảng Cộng sản Việt Nam; trở về nhà, cô lại trở về với thiên chức bao đời của người phụ nữ, là vợ, là mẹ. Cô tâm sự “Ở ngoài xã hội, cô có là ai đi chăng nữa, thì ở nhà, cô chỉ là một người phụ nữ, cô không bao giờ quên vai trò, trách nhiệm của một người vợ, người mẹ trong gia đình”. Nhiều năm liền, gia đình cô được công nhận là gia đình tiêu biểu, kiểu mẫu của tỉnh, điều đó có lẽ cũng nói lên đôi phần về vai trò của cô trong gia đình. Thầy Bùi Văn Cường, vâng, tôi xin mạn phép gọi chồng cô bằng “thầy”, là một công chức, đang công tác tại Ủy ban nhân dân huyện Bắc Tân Uyên, thầy tâm sự “Vì tính chất công việc, tôi đi công tác nhiều, ít có thời gian dành cho gia đình, nhưng chưa một lần tôi phải lo lắng về việc ở nhà, bởi tôi biết, vợ tôi thu vén chu toàn tất cả, có cô ấy là tôi yên lòng”, có ai đó đã từng nói “sau lưng một người đàn ông thành công là một người phụ nữ vĩ đại”, tôi muốn dùng hai từ “vĩ đại” đó để nói về cô. Dù bận trăm công nghìn việc, nhưng cô vẫn luôn dành cho gia đình sự quan tâm và chăm sóc đúng mực, trong quỹ thời gian bận rộn của bản thân, cô luôn dành một góc lớn cho gia đình thân yêu của mình và thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ. Hàng ngày, ngoài giờ làm việc, cô vẫn làm bao công việc không tên thầm lặng như bao người phụ nữ khác; vẫn đi chợ, chăm lo bữa ăn hàng ngày cho gia đình, đưa đón con cái đi học, chăm lo, dạy dỗ con nên người; đối nội, đối ngoại hai bên gia đình; cô có hai con, một bé đang là học sinh lớp 7, một bé học lớp 2, trong suốt quá trình học tập, hai bé đều là con ngoan – trò giỏi – cháu ngoan Bác Hồ, được thầy yêu bạn mến. Với hàng xóm láng giềng, cô luôn thân thiện và dễ gần, gia đình nhiều năm liền đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”. Cô có trong tay một gia đình thật đáng ngưỡng mộ và là niềm ao ước của bao phụ nữ; tôi cũng không ngoại lệ.
16 năm công tác, làm việc và học tập dưới mái trường THPT Lê Lợi, là 16 năm cô không ngừng phấn đấu và cống hiến, những thành tích cô đạt được, đừng nhìn nhận nó chỉ là kết quả, đó còn là cả quá trình nỗ lực không ngừng của một nữ nhà giáo có tâm với nghề, không ngừng lao động, học tập và vươn lên. Cô là một tấm gương sáng, đáng cho những người đi sau như chúng tôi noi theo và học hỏi. Ở cô, cái tâm cái tài luôn quyện vào nhau.
Tôi học được ở cô nhiều điều đáng quý, nhất là tinh thần không ngừng học tập, lao động và cống hiến; cả cách cô đối đãi với những người xung quanh… Cô là mẫu nhà giáo mà tôi muốn phấn đấu và trở thành, tôi biết ước mong đó của tôi còn xa vời, tôi còn phải cố gắng và hoàn thiện bản thân nhiều hơn nữa, vì “ước mơ thì không bị đánh thuế”, nên tôi sẽ vẫn cứ mơ ước và cố gắng biến nó thành hiện thực vào một ngày không xa.
Hôm nay đây, viết về tấm gương nữ nhà giáo ưu tú, tôi mạn phép dùng những hiểu biết nông cạn và ít ỏi của mình viết về cô như một lời tri ân đối với người đồng nghiệp đi trước mà tôi yêu quý, có cơ duyên tiếp xúc và học hỏi trực tiếp từ cô – một người đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng sâu sắc và tình cảm sâu đậm. Cô mãi là một tấm gương sáng cho tất cả phụ nữ huyện Bắc Tân Uyên nói riêng và cả nước nói chung noi theo và học tập; là tấm gương tiêu biểu của người phụ nữ ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc rèn luyện phẩm chất đạo đức, tích cực học tập, lao động đóng góp cho xã hội thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là một bông hoa tươi thắm nhất trong vô vàn bông hoa của trường THPT Lê Lợi.
BẢN QUYỀN THUỘC VỀ: TRƯỜNG THPT LÊ LỢI
Địa chỉ: Ấp 5 – Tân Thành – Bắc Tân Uyên – Bình Dương
Điện thoại: 0274 3 682 470 – 0274 3 682 977